Vẹo cổ là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 đến 6 tháng tuổi. Dù là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, vẹo cổ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sau. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh lý này.
NGUYÊN NHÂN PHỔ BIẾN CỦA VẸO CỔ
U cơ ức đòn chũm:
Đây là nguyên nhân chính gây vẹo cổ, do có một khối u trên cơ ức đòn chũm ở cổ, khiến cơ này bị co thắt, kéo cổ của trẻ nghiêng về một bên. Khối u này thường tự tan khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, cơ ức đòn chũm sẽ bị co rút, gây biến dạng cột sống cổ, dẫn đến vẹo cổ vĩnh viễn và có thể cần phẫu thuật để chỉnh sửa.
Tư thế không đúng:
Tư thế của trẻ trong bụng mẹ hoặc cách chăm sóc sai lệch cũng có thể dẫn đến vẹo cổ. Trẻ sơ sinh chưa có khả năng kiểm soát đầu cổ tốt, đặc biệt là trẻ dưới 2-3 tháng tuổi hoặc trẻ có chậm phát triển vận động. Khi nằm sấp hoặc được bế sai tư thế, trẻ có thể bị nghiêng cổ về một phía lâu dài.
TRIỆU CHỨNG CỦA VẸO CỔ
Trẻ bị vẹo cổ thường có xu hướng nghiêng đầu về một bên và xoay mặt về phía đối diện. Ví dụ, nếu trẻ bị vẹo cổ bên phải, đầu sẽ nghiêng về bên phải và mặt xoay sang bên trái. Trẻ thường gặp khó khăn khi xoay mặt về phía bị ảnh hưởng. Trong quá trình bú, trẻ có thể chỉ bú được một bên vì khi xoay về phía bị vẹo sẽ gây khó chịu.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VẸO CỔ:
- Duy trì tư thế đúng:
Khi bế, bú hoặc cho trẻ ngủ, cần giữ đầu trẻ ở tư thế thẳng, tránh nghiêng về một bên quá lâu.
- Bài tập kéo dãn cơ ức đòn chũm:
Áp dụng phương pháp kéo thụ động, giúp kéo giãn cơ ức đòn chũm bằng cách kéo đầu trẻ về phía lành và xoay mặt về phía bị ảnh hưởng.
- Tập làm mạnh cơ đối bên:
Kích thích trẻ tự điều chỉnh tư thế đầu bằng cách thu hút trẻ quay đầu về phía lành để cân bằng cơ cổ.
Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn, phẫu thuật có thể là giải pháp cần thiết.
PHÒNG NGỪA BỆNH LÝ VẸO CỔ
Phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở cổ của trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.