Tam cá nguyệt thứ nhất tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng – trước khi Mẹ thực sự mang thai; và kéo dài cho đến thai nhi 13 tuần 6 ngày. Nếu lần đầu mang thai Mẹ bầu sẽ có phần lo lắng khi thấy quá nhiều thay đổi xảy ra trong một thời gian ngắn. Đừng quá lo mẹ nhé, hãy chủ động tìm hiểu các kiến thức hữu ích để mẹ và bé cùng hạnh phúc khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Điều gì sẽ xảy ra đối với Mẹ Bầu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất?
Trong giai đoạn này, Mẹ có thể thấy buồn nôn, nhất là khi mới ngủ dậy hoặc chiều tối, hay khi ngửi thấy mùi thức ăn, hương hoa quen thuộc…Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp, có người sẽ không xuất hiện cảm giác buồn nôn, nhưng có người lại buồn nôn khi ngửi mất cứ mùi vị nào. Những cơn nghén này thường sẽ hết sau 3 tháng đầu, nhưng cũng có người nghén đến khi sinh.
Chăm sóc Mẹ Bầu như thế nào trong tam cá nguyệt thứ nhất?Sự phát triển của con yêu ra sao?
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, hầu hết các cơ quan trong cơ thể con đều đã hình thành:
- Ở 2 tuần đầu phôi thai hình thành và “làm tổ”, “tổ ấm” của bé được thấy rõ nhất vào tuần thứ 3.
- Tuần 5, bé con của Mẹ sẽ giống một chú nòng nọc và hệ thống tuần hoàn bắt đầu hình thành, trái tim bắt đầu đập.
- Tuần 6, mũi, miệng, tai của bé bắt đầu hình thành; ruột, não bộ và tủy sống phát triển. Kích thước của bé từ 4-7mm.
- Tuần 7, bàn tay bàn chân bé tí xíu nhìn như những mái chèo đang hình thành và phát triển. Chiều dài của bé cưng từ 9 -15mm.
- Tuần 8, hình thành hệ thần kinh nguyên thủy. Ống hô hấp của bé con bắt đầu nối dài từ họng đến hai lá phổi đang phát triển. Kích thước của bạn ấy khoảng từ 16 – 22mm.
- Tuần 9, hình thái cơ bản của bé hình thành, bạn có thể nhìn thấy cả dái tai của bé, đuôi chú nòng nọc cũng biến mất. Lúc này, chiều dài của bé thay đổi từ 23 – 30mm và cân nặng của mẹ cũng sắp tăng lên nhanh chóng.
- Tuần 10, đôi tay và đôi chân nho nhỏ không còn giống như mái chèo nữa mà đã có thể gập duỗi, móng tay và chân cũng bắt đầu hình thành. Chiều dài của bạn nhỏ lúc này sẽ từ 31 – 40mm.
- Tuần 11, những chồi răng nhỏ của bé đang xuất hiện bên dưới nướu răng.
- Tuần 12, những ngón chân có thể cong lại, não bộ phát triển mạnh mẽ hơn.
- Tuần 13, đây là tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất, tĩnh mạch và các cơ quan nội tạng của bé có thể nhìn thấy rõ qua da.
Các xét nghiệm quan trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất?
Tam cá nguyệt thứ nhất là thời điểm nhạy cảm cần đặc biệt lưu ý vì các nguy cơ sẩy thai hay dị tật bẩm sinh đều có thể xuất hiện, vì vậy, mẹ nên lưu ý những điều cần làm sau:
Khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa và thưc hiện các chỉ định siêu âm, xét nghiệm cần thiết:
- Thời điểm cần khám thai lần đầu tiên khi trễ kinh để xác định mình có thai hay không và thực hiện các thăm khám theo chỉ định của bác sĩ.
- Thời điểm khám thai thứ hai lúc thai nhi được 11 - 13 tuần Mẹ bầu được siêu âm đo độ mờ da gáy để tầm soát bất thường thai nhi. Trong giai đoạn này bác sĩ sẽ dựa vào tuổi thai và dự đoán ngày sinh cho mẹ bầu.
Đây là thời điểm thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết để xác định thai nhi có nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Down,…). Việc làm sàng lọc này sẽ có thể giúp xác định đến 85% số mẹ bầu có thai nhi mắc hội chứng Down. Những những xét nghiệm cần thiết giai đoạn này là:
Xét nghiệm máu tổng quát: Thông qua các xét nghiệm máu mẹ + máu con, các bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện Mẹ bầu, kiểm tra các bệnh nội khoa và di truyền. Tiếp theo, bạn có thể được kiểm tra máu để xác định nhóm máu, tình trạng Rh cũng như kiểm tra chứng thiếu máu ở bà bầu. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, xét nghiệm dung nạp đường giai đoạn đầu này sẽ xác định được và giúp bạn có một chế độ ăn uống hợp lý hơn.
Các xét nghiệm sàng lọc: Các xét nghiệm sàng lọc có thể cho bạn biết thông tin về nguy cơ mắc hội chứng Down và các vấn đề dị tật bẩm sinh ở thai nhi được tiến hành như siêu âm đo độ mờ da gáy, Double test, NIPT – sàng lọc trước sinh không xâm lấn… Kết quả của những xét nghiệm này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé và thai kì của mẹ.
Mẹ hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn cũng như làm những công việc mà bản thân yêu thích để giảm đi những mệt mỏi và căng thẳng trong tháng ngày đầu tiên này.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng:
Các chất dinh dưỡng như sắt, acid folic, canxi, vitamin và khoáng chất rất quan trọng cho cơ thể mẹ và thai nhi lúc này. Xây dựng một thực đơn cân bằng và lành mạnh, tránh việc thừa hay thiếu chất sẽ gây ra tác hại xấu đến sự phát triển của trẻ.
Thay đổi thói quen cuộc sống
Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong thai kỳ với nguy cơ sảy thai tự nhiên cao, mẹ bầu nên loại bỏ các thói quen như sử dụng bia rượu, hạn chế dùng các loại đồ uống chứa caffein hay nước có ga. Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc, sóng điện thoại, wifi. Những việc làm đẹp như nhuộm tóc, sơn móng tay,... cũng tuyệt đối tránh xa.
Sinh hoạt vợ chồng:
Mẹ nên hạn chế việc sinh hoạt hoặc có quy định về số lần sinh hoạt vợ chồng để bảo vệ cho sức khỏe của mình và tình trạng phát triển của con yêu.
Mang thai và sinh con là hành trình thật ý nghĩa nhưng cũng đầy thử thách nếu Mẹ Bầu không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Với bài viết trên, Bệnh viện TWG Long An hy vọng đã giúp Mẹ bầu có thêm thông tin hữu ích để có một thai kỳ hạnh phúc và chuẩn bị đón bé yêu chào đời khỏe mạnh.
🏥 Bệnh viện TWG Long An
136C Tỉnh lộ 827, Khu phố Bình An 1, Phường 7, TP Tân An, tỉnh Long An
☎️ Hotline: 02723.550.507
🚑 Cấp cứu: 02723.661.115
📩 longan@benhvientwg.vn
🌐 www.benhvientwg.vn