Vị mặn là một trong những vị quan trọng nhất của ẩm thực. Bữa ăn sẽ mất ngon nếu thiếu vị mặn. Vị mặn trong thực phẩm chủ yếu do muối và các thực phẩm nhiều muối tạo ra và đây là lý do muối là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
Xem thêm: Miễn phí tham gia buổi nói chuyện chuyên đề : “Chế độ ăn giảm muối phòng chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch”
Muối có công thức hóa học là natri clorua (NaCl), trong đó natri chiếm khoảng 40% trọng lượng của muối. Ngoài muối, natri còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh, bột ngọt và nhiều loại gia vị khác. Do natri có chủ yếu từ muối và là yếu tố gây hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều vì vậy các chuyên gia sức khỏe thường quy đổi việc tiêu thụ natri sang lượng muối để cộng đồng dễ hiểu.
Môt số gia vị nhiều muối
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để bảo vệ sức khỏe, lượng muối ăn hàng ngày ở trẻ em từ trên 12 tuổi và người trưởng thành không nên quá 5g. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi chỉ ăn 1/2 lượng muối ăn vào hằng ngày so với người trưởng thành.
Ăn nhiều muối gây nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe. Ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn sức khỏe khác.
Ăn thừa muối có thể gây nhiều bệnh lý
Nhiều nghiên cứu cho thấy người Việt Nam tiêu thụ nhiều muối gấp hai lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế. Rất nhiều người không hề nhận biết là mình đang ăn mặn vì nhiều lý do như không biết rõ lượng muối có trong thực phẩm, không biết rõ thực phẩm nào có nhiều muối, nêm thêm đường, chanh… vào món ăn làm trung hòa vị mặn, thường xuyên ăn các món chế biến với nhiều muối như kho, ram, xào….Đây là nguyên nhân tác động vào gia tăng và trẻ hóa tỷ lệ người Việt Nam mắc các bệnh lý liên quan đến ăn nhiều muối. Theo điều tra STEP tỷ lệ tăng huyết áp ở nam giới tăng từ 23,1% năm 2015 lên 33,3% năm 2021, nữ giới tăng từ 14,9% năm 2015 lên 19,1% năm 2021.
Giảm tiêu thụ muối là một trong những biện pháp hữu hiệu mà nhiều quốc gia thực hiện để cải thiện tình trạng sức khỏe của cộng đồng. Với mỗi cá nhân cần đặt mục tiêu giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày thông qua các biện pháp như:
- Giảm lượng muối và gia vị có nhiều muối khi chế biến thức ăn.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm và thức ăn có nhiều muối như các loại mắm cá, măm tôm, mắm tép, rau củ quả muối, mì ăn liền, lạp xưởng, giò, chả, xúc xích, cá khô, tôm khô, mực khô, bò khô, đậu phộng muối, snack…
- Nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối, gia vị nhiều muối cho vào thức ăn.
- Thay đổi cách chế biến món ăn. Tăng cường các món luộc, hấp, nấu canh; giảm ăn các món kho, xào, muối
- Hạn chế bày muối, gia vị mặn, nước chấm trên bàn ăn.
- Thay đổi thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm, chấm trái cây với muối
- Nên đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua, sử dụng.
- Giảm mua các loại thực phẩm
BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Làm sao biết mình có ăn thừa muối hay không, làm sao có thể giảm muối và gia vị mặn mà món ăn vẫn không lạt lẽo, làm sao can thiệp giảm muối hiệu quả để phòng ngừa tăng huyết áp?
Các câu này sẽ được giải đáp vào buổi nói chuyện chuyên đề vào ngày 11/5 tại Bệnh viện TWG Long An với chủ đề “Chế độ ăn giảm muối phòng chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch ” với sự tham gia của Chuyên gia Dinh dưỡng Cao cấp - BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Thầy thuốc ưu tú, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện TWG Long An.
MIỄN PHÍ THAM GIA BUỔI NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ : “CHẾ ĐỘ ĂN GIẢM MUỐI PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP VÀ BỆNH TIM MẠCH”
- Thời gian: 13h30 - 15h00 - thứ Tư, 11/05/2022
- Địa điểm: Bệnh Viện TWG Long An
Đăng ký tham gia TẠI ĐÂY hoặc gọi hotline 02723.550.507
|