THOÁI HÓA KHỚP GỐI LÀ GÌ?
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học, sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn - xương dưới sụn.
Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương. Biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào cùng chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm tỷ lệ cao hơn trong các trường hợp thoái hóa khớp gối.
NGUYÊN NHÂN THOÁI HÓA KHỚP GỐI:
Theo Y học hiện đại:
Thoái hóa khớp gối nguyên phát: Thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, có thể một khớp hoặc nhiều khớp tiến triển chậm. Ngoài ra những yếu tố như di truyền, chuyển hóa (đái tháo đường, thừa cân…) mãn kinh sẽ gia tăng nhanh tình trạng thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối thứ phát: Gặp ở tất cả mỏi lứa tuổi, thường do chấn thương làm thay đổi trục khớp gối. Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: gối vẹo vào trong, gối vẹo ra ngoài, hoặc sau những tổn thương dây chằng, viêm tại khớp gối…
Theo Y học cổ truyền:
Phong Hàn Thấp hoặc Phong Thấp Nhiệt tà thừa lúc Chính khí hư tổn, xâm phạm vào cơ biểu kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn. Thường đau khi có sự thay đổi thời tiết, trời âm u, hoặc sau bị cảm.
Công năng của tạng Can và Thận bị giảm do bệnh lâu ngày hoặc do tuổi cao, chức năng của can thận suy giảm gây đau, co duỗi khó khăn, biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần.
Thường đau khi vận động, nghỉ ngơi thì giảm đau. Công năng của tạng can và thận bị giảm do bệnh lâu ngày hoặc do tuổi cao, chức năng của can thận suy giảm gây đau, co duỗi khó khăn, biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần. Thường đau khi vận động, nghỉ ngơi thì giảm đau.
TRIỆU CHỨNG THOÁI HÓA KHỚP GỐI
Đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm, lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều, hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc, thường xuất hiện vào ban đêm. Đây là biểu hiện đầu tiên của bệnh.
Càng về sau, khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc do tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch ra, đau sẽ giảm nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Khi bệnh trở nên nặng hơn, người bị thoái hóa khớp gối có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm, lúc vừa ngủ.
BIẾN CHỨNG THOÁI HÓA KHỚP KHỐI:
- Tràn dịch khớp gối: khớp gối sưng to và ứ dịch nhiều tại khớp gối
- Mất vững khớp gối dễ dẫn đến tăng nguy cơ tổn thương và chấn thương khớp gối
- Rối loạn giấc ngủ do những cơn đau về đên
- Biến chứng nặng nhất là biến dạng hình thái khớp gối.
ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI:
Điều trị đa mô thức mang lại kết quả tốt với bệnh lý thoái hóa khớp gối, kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
Đối với Y học cổ truyền có những phương thuốc phù hợp với từng thể bệnh của người bệnh: Độc hoạt tang ký sinh, Thân thống trục ứ thang, Ý dĩ nhân thang… khi điều trị không những giảm đau mà còn giúp phục hồi chức năng khớp gối và hạn chế, làm chậm quá trình thoái hóa.
Châm cứu kết hợp với xoa bóp bấm huyệt kết hợp với tập vận động giúp giảm đau, kháng viêm, tăng tầm vận động khớp gối.
Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng với nhiều phương pháp như điện xung, siêu âm, sóng ngắn, tập vận động khớp sẽ giúp giảm đau và tăng tầm vận động, giảm cứng khớp.
PHÒNG NGỪA ĐAU DO THOÁI HÓA KHỚP GỐI:
- Hạn chế tình trạng leo cầu thang, lên lầu, tránh ngồi xổm, ngồi ghế thấp ở người cao tuổi.
- Kiểm soát cân nặng.
- Giảm cân ở người thừa cân béo phì.
- Tập luyện thể dục thường xuyên.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
BS. Phạm Phú Quý