MỤN TRỨNG CÁ LÀ GÌ?
Trứng cá là một bệnh viêm nang lông tuyến bã thường xuất hiện ở vùng mặt, ngực, lưng, hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên.
Biểu hiện lâm sàng có thể nhẹ: có một số nhân trứng cá, đến mức độ nặng trứng cá dạng cục, viêm tấy, nang bọc, ngóc ngách, tạo sẹo lồi, sẹo lõm to.
Bệnh ảnh hưởng đến tâm lý thẩm mỹ, bệnh nhân lo lắng vì tổn thương thường xuất hiện ở mặt.
CĂN NGUYÊN SINH BỆNH?
Hiện nay người ta cho rằng các yếu tố căn nguyên sinh ra bệnh trứng cá gồm có:
- Cơ địa da dầu, tăng tiết chất bã (có tính chất tố bẩm di truyền, gia đình).
- Dày sừng cổ nang lông làm chất bã bị vít tắc, không thoát ra ngoài được.
- Vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.A).
- Nồng độ dihydrotestosterone tăng cao ở mô.
Cơ địa da dầu làm cho tuyến bã to ra, tăng chế tiết chất bã, chất bã tiết ra nhiều mà không thoát ra được tạo thành nhân trứng cá (comedones). Vi khuẩn Propionibacterium acnes phân hủy chất bã tạo thành các axit béo tự do ngấm ra tổ chức xung quanh tạo nên các sẩn viêm, nếu bội nhiễm thêm tụ cầu, liên cầu… tạo nên sẩn mủ, mụn mủ. Tùy theo mức độ và cách xử trí các sẩn, mụn mủ khi khỏi có thể tạo sẹo một thời gian hay vĩnh viễn.
Lứa tuổi thường gặp nhất là 10 - 25 tuổi ở cả nam và nữ. Thường gặp ở vùng mặt, ngực, lưng (nhất là vùng liên bả), phần trên cánh tay.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG?
- Yếu tố nội tiết.
- Yếu tố xúc động thần kinh có thể làm nặng thêm bệnh.
- Một số thuốc có thể gây trứng cá hoặc làm bệnh nặng thêm: Lithium, hydantoin, bôi corticoid, uống viên tránh thai, isoniazid, iot…
- Yếu tố nghề nghiệp: tiếp xúc dầu khoáng.
- Trứng cá do dioxin.
QUAN NIỆM Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ MỤN TRỨNG CÁ
Mụn trứng cá theo y học cổ truyền gọi là “Phấn thích”, là bệnh thường gặp nhất ở tuổi dậy thì cả nam và nữ, bệnh còn gặp ở thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ. Bệnh ở bên ngoài (hệ thống bì phu tấu lý) nhưng có liên quan mật thiết tới bên trong (tạng phủ).
Y học cổ truyền cho rằng mụn trứng cá phần lớn do phong nhiệt nung nấu, kết tụ ở phế kinh, phát ra ở mặt mũi; Hoặc do ăn quá nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh ra thấp nhiệt, tràng vị không giáng được mà lại nghịch lên; Hoặc do Tỳ vận hóa kém, thấp ngưng kết lâu ngày hóa đàm hóa nhiệt ngưng trệ ở bì phu. Đặc biệt ở tuổi dậy thì nhiệt thịnh, hợp với đàm, nhiệt độc uất kết ở bì phu gây nên bệnh.
Tại Trung Tâm Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWG Long An, chúng tôi cung cấp các phương pháp điều trị đa mô thức và hiện đại nhằm cải thiện tình trạng mụn trứng cá của bạn. Các bác sĩ sẽ thăm khám, phân tích và đưa ra liệu pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể, sau đó kết hợp các phương pháp tự nhiên như sử dụng các nghiệm pháp chăm sóc da bằng thảo dược, xoa bóp bấm huyệt, dùng các bài thuốc y học cổ truyền… để giúp bạn nhanh chóng lấy lại làn da mịn màng, sạch mụn và khỏe mạnh.
Bác sĩ:Trần Ngọc Duyên