Đây là lần đầu tiên TCYTTG ra khuyến cáo sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong cung ứng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh của các nước đang phát triển sau hơn 2 năm thu thập các chứng cứ khoa học chứng minh hiệu quả của chúng. Điều quan trọng là TCYTTG khuyến cáo việc triển khai ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong y tế cần quan tâm đến đối tượng thụ hưởng là người dân thuộc nhóm yếu thế, nhờ đó giúp cản thiện tình trạng sức khoẻ của họ.
Ngày 17/04/2019, TCYTTG đã chính thức đưa ra 10 khuyến cáo về sử dụng công nghệ y tế kỹ thuật số, bằng các thiết bị như điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn làm công cụ nhằm cải thiện các dịch vụ thiết yếu và sức khoẻ người dân.
TCYTTG nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số là rất cần thiết để đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, các công nghệ kỹ thuật số không phải là đích đến, mà là những công cụ quan trọng để tăng cường sức khỏe, giữ an toàn cho thế giới và phục vụ những người dễ bị tổn thương.
Sau gần 2 năm xem xét và đánh giá một cách có hệ thống các bằng chứng khoa học về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác chăm sóc sức khoẻ, và tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới, TCYTTG đã đưa ra khuyến cáo những cách thức sử dụng công cụ kỹ thuật số có thể tác động tối đa đến hệ thống y tế và sức khỏe của mọi người.
TCYTTG đã đưa ra nhiều ví dụ minh hoạ hiệu quả thiết thực khi ứng dụng các can thiệp kỹ thuật số vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân như: cơ sở y tế gửi lời nhắc đến phụ nữ mang thai đã đến cuộc hẹn chăm sóc tiền sản để tiêm phòng; ứng dụng công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ ra quyết định trong việc hướng dẫn nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân; sử dụng công cụ kỹ thuật số giúp nhân viên y tế và người bệnh giao tiếp thuận lợi hơn và tư vấn về các vấn đề sức khỏe từ các địa điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, TCYTTG cũng nêu rõ những thách thức đối với việc sử dụng công nghệ số trong một số can thiệp, đó là nếu các công nghệ kỹ thuật số được tích hợp vào các hệ thống y tế, chúng phải có khả năng chứng minh những cải tiến dài hạn so với các cách cung cấp dịch vụ y tế truyền thống. Ví dụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện quản lý kho vật tư, thuốc cho phép nhân viên y tế giao tiếp hiệu quả hơn về tình trạng của hàng hóa, tuy nhiên, chỉ thông báo tình trạng tồn kho không là chưa đủ để cải tiến hoạt động quản lý hàng hóa nếu hệ thống y tế chưa thiết lập các hành động kịp thời để bổ sung các mặt hàng cần thiết khi đã sắp hết trong kho.
Ngoài ra, TCYTTG khuyến cáo triển khai ứng dụng các can thiệp kỹ thuật số cần phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế và đảm bảo thiết kế ứng dụng cho phù hợp, bao gồm cả các vấn đề về cấu trúc trong các cài đặt cho nơi được sử dụng, cơ sở hạ tầng sẵn có, nhu cầu sức khỏe cần được giải quyết và sự dễ sử dụng của chính công nghệ. Cần tăng khả năng hiển thị thông tin trên thiết bị kỹ thuật số so với lượng dữ liệu sẵn có, cần đảm bảo cho người sử dụng yên tâm rằng dữ liệu của họ là an toàn và họ sẽ không gặp rủi ro vì thông tin về các chủ đề sức khỏe là nhạy cảm, nhất là các thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục.