Băng huyết sau sinh (BHSS) là một tai biến sản khoa nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa đến tính mạng sản phụ rất cao vì đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tật và tử vong của sản phụ trên toàn thế giới. Để hiểu rõ hơn về tai biến nguy hiểm này, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Trung tâm Sản - Phụ khoa, Bệnh viện TWG Long An - Bác sĩ (BS) CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà những thông tin quan trọng cùng khuyến cáo hữu ích dành cho sản phụ về tình trạng BHSS để bảo vệ sức khỏe hiệu quả.
Phó Giám đốc Trung tâm Sản-Phụ khoa, Bệnh viện TWG Long An - BS.CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà
PV: Thưa BS, BHSS là gì? Nguyên nhân nào gây ra BHSS?
BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: BHSS là hiện tượng chảy máu từ đường sinh dục của sản phụ trong 24 giờ đầu sau sinh, với lượng máu từ 500ml trở lên (đối với sinh thường) và 1.000ml (đối với sinh mổ). Theo thống kê, mỗi năm, trên thế giới có khoảng trên 500.000 phụ nữ tử vong do quá trình mang thai và sinh nở; riêng số người BHSS lên đến trên 100.000 người. Tại Việt Nam, tỷ lệ BHSS từ 3-8%. Đây được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các sản phụ.
Băng huyết sau sinh là hiện tượng chảy máu từ đường sinh dục của sản phụ trong 24 giờ đầu sau sinh, với lượng máu từ 500ml trở lên (đối với sinh thường) và 1.000ml (đối với sinh mổ)
BHSS có nguyên nhân chủ yếu gồm: Đờ tử cung, tổn thương đường sinh dục, những bất thường về bánh nhau và rối loạn đông máu.
Đối với đờ tử cung (tử cung không thể co hồi sau khi sinh), có những yếu tố tác động đến chất lượng cơ tử cung như bệnh nhân sinh con nhiều lần; có những bệnh lý trên cơ tử cung (u xơ tử cung, đa thai, đa ối,…) khiến tử cung giãn quá mức gây chuyển dạ kéo dài làm tử cung mệt mỏi, có hiện tượng nhiễm trùng ối, nhiễm trùng cơ tử cung,… làm cho cơ tử cung co hồi kém, từ đó, những mạch máu đi từ mẹ qua nhau nuôi sẽ không được siết lại để cầm máu gây hiện tượng băng huyết.
Đối với tổn thương đường sinh dục: Khi chuyển dạ, thai nhi từ bụng ra ngoài đi qua ống sinh dục của mẹ có thể gây tổn thương cổ tử cung, cơ tử cung, âm đạo, tầng sinh môn; khi tổn thương nặng sẽ gây chảy máu.
Những bất thường về bánh nhau: Thai phụ có nhau bám thấp hoặc nhau bám chặt, không bong,… làm cản trở việc co hồi tử cung dẫn đến BHSS.
Với bệnh lý về máu như rối loạn đông máu thì việc cầm máu kém dẫn đến chảy máu nhiều.
PV: Thưa BS, những trường hợp nào có nguy cơ BHSS?
BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Những trường hợp có nguy cơ BHSS cao là sản phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi); bị thừa cân, béo phì; có bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh lý về máu; có tiền sử băng huyết; sinh nhiều, sinh dày. Những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ này cần thận trọng, chú ý khám thai định kỳ đúng lịch để được BS khám, chẩn đoán và đưa ra những lời khuyên kịp thời, hợp lý
Sản phụ cần chú ý chọn cơ sở y tế uy tín để bảo đảm cho quá trình sinh con được thuận lợi, an toàn cho mẹ và bé. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, khi chuẩn bị sinh, sản phụ cần chú ý chọn cơ sở y tế uy tín để bảo đảm cho quá trình sinh con được thuận lợi, an toàn cho mẹ và bé. Khi gặp trường hợp BHSS, nếu bị nhẹ thì có thể dùng thuốc để cầm máu. Tuy nhiên, khi đã dùng nhiều thuốc vẫn không cầm máu được thì phải phẫu thuật. Thậm chí, khi phẫu thuật thắt mạch máu hoặc may siết cơ tử cung vẫn không thành công mà buộc phải cắt tử cung thì đây là một đại phẫu, trường hợp này rất cần các BS có kinh nghiệm. Bệnh viện TWG Long An đáp ứng được những điều kiện này khi có đủ trang thiết bị hiện đại với đội ngũ y, BS có chuyên môn, tay nghề cao. Thời gian qua, bệnh viện đã giúp cho rất nhiều trường hợp BHSS cũng như nhiều bệnh lý, tai biến khác được “mẹ tròn, con vuông”.
PV: Hậu quả của BHSS là gì thưa BS?
BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: BHSS là nguyên nhân gây tử vong phổ biến hàng đầu của sản phụ. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà sản phụ sẽ gặp phải những biến chứng khác nhau, thường gặp nhất là suy hô hấp; nguy cơ mắc các bệnh về máu như thiếu máu, rối loạn đông máu; ảnh hưởng đến khả năng sinh sản những lần tiếp theo; nhiễm trùng sau sinh;…
Bên cạnh đó, những tác hại lâu dài do BHSS để lại là hiện tượng viêm tắc tĩnh mạch; suy tuyến yên dẫn đến rụng tóc, mất kinh sớm.
Trường hợp sản phụ chảy máu quá nhiều, không thể cầm thì có trường hợp buộc phải cắt tử cung. Còn đối với những trẻ có mẹ tử vong sau sinh thì đây là một thảm họa.
PV: BS có những khuyến cáo nào cho sản phụ đối với tai biến sản khoa nghiêm trọng này?
BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Để đề phòng BHSS cũng như những biến chứng thai kỳ khác, thai phụ cần khám thai theo lịch khuyến cáo để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và có hướng phòng ngừa, xử trí kịp thời. Thai phụ cần chú ý lựa chọn cơ sở y tế chất lượng, bảo đảm quy trình chăm sóc thai sản an toàn.
Hãy đến với Bệnh viện TWG Long An để có cuộc vượt cạn an toàn
Bên cạnh đó, thai phụ không nên kiêng khem, phải ăn uống đầy đủ, đa dạng các nhóm chất; nghỉ ngơi hợp lý và tránh lao động nặng. Thai phụ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là sắt, axit folic để không bị thiếu máu vì sản phụ thiếu máu khi xảy ra hiện tượng BHSS sẽ có hậu quả năng nề hơn. Tại Bệnh viện TWG Long An, trong quá trình khám thai, thai phụ sẽ được xét nghiệm máu, bổ sung thuốc sắt, axit folic cùng các dưỡng chất cần thiết khác cho sự sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.
Đồng thời, trong quá trình mang thai, khi phát hiện triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Một điều cần lưu ý là ngoài băng huyết trong 24 giờ đầu sau sinh còn có băng huyết thứ phát khi chảy máu đến 12 tuần sau sinh. Đây là thời gian hậu sản, thông thường, sản dịch sẽ giảm dần nhưng nếu bệnh nhân vẫn còn ra huyết nhiều, máu đỏ tươi, không giống nhau máu kinh thì phải đi khám ngay để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Trung tâm Sản - Phụ khoa Bệnh viện TWG Long An với đội ngũ y, BS giỏi chuyên môn, trang thiết bị hiện đại cùng dịch vụ toàn diện luôn sẵn sàng cùng mẹ yên tâm chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, cán đích thành công.
Nguồn Báo Long An
Bệnh viện TWG Long An
Địa chỉ: Số 136C, Đường tỉnh 827, khu phố Bình An 1, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An
Điện thoại: 02723550507