Sơ cứu răng rơi khỏi ổ đúng cách khi gặp tai nạn chấn thương răng Răng có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, va chạm khi sinh hoạt, ngã, chơi thể thao,...
Chấn thương có thể gây nứt, gãy, lung lay hoặc thậm chí rơi ra ngoài. Để cứu răng, hãy nhớ:
ĐỐI VỚI RĂNG VĨNH VIỄN:
Bảo quản răng bị rơi kỹ lưỡng
- Tìm lại răng và chỉ cầm phần thân răng, không chạm vào chân răng.
- Nếu có thể, rửa nhẹ răng bằng sữa tươi không đường, nước muối sinh lý hoặc nước bọt của bệnh nhân. Tránh sử dụng nước máy.
- Nếu có thể, hãy thử đặt răng trở lại ổ răng ngay lập tức. Hãy chắc chắn rằng răng được đặt đúng chiều và nhẹ nhàng đẩy vào vị trí cũ. Sau đó, cắn nhẹ một miếng gạc hoặc vải sạch để giữ răng cố định.
Nếu không thể cắm răng lại ngay:
- Ngâm răng vào sữa tươi không đường, nước muối sinh lý hoặc nước bọt.
- Cho bệnh nhân cắn gạc hoặc khăn sạch tại vị trí răng bị tổn thương.
- Đến cơ sở y tế ngay trong vòng 30 phút để tăng cơ hội cứu răng.
- Hãy nhớ rằng: Thời gian lý tưởng để cắm lại răng là trong 30 phút đầu tiên sau tai nạn, nhưng có thể thành công đến 24 giờ nếu bảo quản tốt.
ĐỐI VỚI RĂNG VĨNH VIỄN:
Không nên cố gắng cắm lại răng sữa bị rơi, để tránh tổn thương mầm răng vĩnh viễn. Nếu có chảy máu nhiều, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
PHÒNG NGỪA CHẤN THƯƠNG RĂNG:
Răng có thể bị chấn thương và rơi xương ổ trong quá trình chơi thể thao, vận động… Cho nên để giảm thiểu khả năng này chúng ta nên mang dụng cụ bảo vệ hàm trong quá trình luyện tập, vận động hay mang mũ bảo hiểm có phần bảo vệ cằm khi đi lại, di chuyển bằng xe gắn máy, xe đạp.
Sau khi cắm lại răng xong về nhà bệnh nhân cần thực hiện những chú ý sau:
- Cần giữ vệ sinh răng miệng thật tốt.
- Không được nhai trên răng cắm ghép trong 1 tuần vì răng cần nghỉ ngơi để hồi phục.
- Không dùng ngón tay để kiểm tra răng có cứng hay không.
- Đến tái khám theo hẹn của bác sĩ.
BS Vương Nhân Tri