Khi gặp chúng tôi, bác sĩ (BS) Lương Kim Chi - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi TWG Long An (BV Sản Nhi), đang chuẩn bị ra ca trực. BS Chi đã thức suốt mấy đêm liền tại BV để đồng hành cùng các bệnh nhi nặng nên ánh mắt hằn lên nét mệt mỏi. BS Chi muốn chắc chắn các bệnh nhi của mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi bác ra ca trực về với gia đình. Rời BV, BS Chi phải về quê ngay vì bệnh của cha bác đang trở nặng!
Bác sĩ Lương Kim Chi ân cần hỏi thăm, quan tâm đến từng bệnh nhân của mình
Đưa phương pháp Kangaroo về Long An
Trước đây, BS Lương Kim Chi làm việc tại BV Từ Dũ (TP.HCM). Sau khi về hưu, BS Chi tiếp tục đến làm việc tại BV Sản Nhi theo lời mời với mong muốn tiếp tục cống hiến. BS Chi có một tình thương đặc biệt đối với những mầm sống bé nhỏ chào đời non ngày tháng. Tại BV Sản Nhi, BS Chi đã cùng đồng nghiệp mạnh dạn áp dụng phương pháp da kề da cho tất cả các bé (kể cả các bé sinh non và gặp vấn đề về sức khỏe). Những thiên thần tí hon được da kề da với mẹ suốt ngày này qua tháng nọ dưới sự theo dõi, chăm sóc sát sao của đội ngũ y, BS. Các bé sơ sinh chỉ nặng khoảng 650-700 gram vẫn không cần nằm trong lồng hấp. Một số bé sau thời gian được BS Chi và đồng nghiệp tận tình chăm sóc đã khỏe mạnh, xuất viện về nhà. Việc cho mẹ và bé đồng hành cùng nhau vừa tránh được tổn thương tâm lý của mẹ và bé, vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí.
Cùng BS Chi đến phòng bệnh, chúng tôi mới cảm nhận được tình cảm của bác dành cho bệnh nhi. Bác ân cần hỏi thăm, quan tâm đến từng bệnh nhân (BN) của mình, hướng dẫn mẹ bế bé đúng cách và chú ý cả chiếc drap giường xem có thẳng hay không. Khi người nhà BN thắc mắc, bác giảng giải ôn tồn và kiên nhẫn. Việc BS Chi dành hàng tiếng đồng hồ giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhi là việc không hề lạ. Bác luôn dặn dò những đồng nghiệp trẻ của mình hãy xem BN là người nhà, dành cho họ những gì mình muốn dành cho người thân của mình.
Là phụ nữ, BS Chi hiểu rõ khó khăn của người mẹ sinh non và là BS nên bác hiểu những điều có thể xảy ra với một đứa trẻ sinh non. Suốt cả cuộc đời làm nghề y, BS Chi dành nhiều tâm sức để những “chú kangaroo con” ấy lớn lên vẹn tròn như bạn bè trang lứa. BS Chi kể, mấy hôm trước, bác đang làm việc thì nhận được điện thoại của gia đình bệnh nhi cũ. Người cha thông báo con mình đã nhận được học bổng du học Úc. Bé lúc sinh ra chưa được 1 kilôgam của gần 20 năm về trước do chính tay bác chăm sóc, theo dõi, giờ đây đã trưởng thành. BS Chi nói: “Các bé sinh non vẫn có thể bắt kịp tốc độ phát triển của bạn bè. Tỷ lệ các bé gặp các vấn đề về sức khỏe là rất cao nên cần được chăm sóc đúng và kịp thời”.
Xem bệnh nhân là người nhà
Với BN, BS Chi cẩn thận hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc em bé: Tắm bé, da kề da, quan sát kiểm tra bé,... Thậm chí, BS Chi còn dạy các cha mẹ cách chơi với trẻ để trẻ thông minh hơn. Bởi theo quan điểm của BS Chi, sẽ không ai quan tâm con mình hơn cha mẹ và khi được cha mẹ chăm sóc đúng cách, các bé sẽ nhanh hồi phục.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi có một BS khác đến tham khảo ý kiến BS Chi về trường hợp một bệnh nhi sinh non đang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Xem bệnh án xong, BS Chi cân nhắc giữa các phương pháp điều trị và chi phí người nhà bệnh nhi phải chi trả. BS Chi nhắc đồng nghiệp trẻ: “Con kiểm tra kỹ lại xem cái đó bảo hiểm có chi trả không nhé, một liều đến mấy triệu”. Khi làm việc, BS Chi không chỉ cân nhắc tình hình bệnh mà còn quan tâm đến cả mức phí mà gia đình BN phải trả. Bác muốn trao cho BN những dịch vụ tốt nhất có thể trong khả năng của mình.
Tại văn phòng của BS Chi có tấm bảng nhỏ vui vẻ ghi nhận những sáng kiến của các y, BS trong khoa. Các y, BS chia nhóm thi đua cùng nhau, niềm vui và không khí làm việc hăng say hiện lên trên từng con chữ, khẩu hiệu được ghi trên bảng. Được biết, đó là sáng kiến của BS Chi thay vào mô hình Phạt trên từng lỗi nhỏ từng áp dụng trước đây để kích thích tinh thần sáng tạo, nhiệt tình của đội ngũ y, BS trong khoa. BS Chi đến với nghề y bởi tình yêu nghề nghiệp đã thấm sâu vào máu. Từ ngày nhỏ, bác đã theo ông bà đi chặt cây thuốc Nam, nhìn mẹ băng bó, trị thương cho người khác. Bác đã chọn nghề y, khoa sơ sinh và đặc biệt dành nhiều tâm sức tìm hiểu về sinh non để có thể chăm sóc tốt nhất cho những thiên thần lỡ gặp chút trục trặc trong quá trình đến với thế giới tươi đẹp này.
Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, BS Chi cùng Ban Giám đốc BV đến thăm và lì xì mừng năm mới cho những bệnh nhi nặng, có hoàn cảnh khó khăn. Bác tỉ mỉ hướng dẫn Ban Giám đốc đến gặp từng BN. Bác nhớ rõ từng bệnh nhi sinh ra như thế nào, nặng bao nhiêu gram, đến nay đã được bao nhiêu ngày tuổi và đang gặp vấn đề gì về sức khỏe. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ hiểu sự quan tâm của bác đến những BN của mình. Hết ngày hôm ấy, xong hết việc lo cho người khác, bác mới tất tả về lại quê nhà vì cha mình đang cần sự chăm sóc của con, cháu trong những lúc khó khăn./.
Phương pháp Kangaroo là phương pháp khoa học có thể hỗ trợ tối đa cho trẻ sinh thiếu tháng. Phương pháp hiện được áp dụng ở nhiều bệnh viện vì mang lại lợi ích thiết thực cho cả mẹ và con. Phương pháp Kangaroo (hay còn gọi là phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo) là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân được áp dụng theo ý tưởng những chú Kangaroo. Phương pháp này thực hiện bằng cách đặt con trong một cái túi phía trước ngực mẹ, để bé được nằm tiếp xúc da kề da trên ngực của mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.
Xem thêm tại: https://baolongan.vn/nguoi-dong-hanh-voi-nhung-ba-me-kangaroo-a109952.html