HIỂU VỀ TẮC TIA SỮA
Tắc tia sữa là một tình trạng phổ biến, sau sinh khi sữa mẹ bị ứ đọng trong các ống dẫn sữa, gây ra khó khăn trong việc cho con bú. Nguyên nhân của tắc tia sữa có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như: ngậm vú không đúng cách, dư thừa sữa mẹ, áp lực lên ngực, hoặc thậm chí là căng thẳng và stress. Điều quan trọng là phải nhận biết các triệu chứng của tắc tia sữa sớm như sữa không chảy ra, ngực căng cứng và đau, cùng với một số biểu hiện khác.
CÁC TRIỆU CHỨNG BẤT THƯỜNG CẦN GẶP BÁC SĨ
Tuy tắc tia sữa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tắc tia sữa có thể dẫn đến mất sữa, viêm tuyến vú và áp xe vú nếu không được điều trị kịp thời. Các mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vùng ngực như:
- Sờ thấy có cục chai cứng ở bầu ngực.
- Bạn đã cố gắng cho bé bú và đã vắt sữa nhưng vẫn không hết khối cứng ở vú.
- Tình trạng tắc tia sữa kéo dài hơn 2-3 ngày mà không biến mất.
- Khối căng cứng ở ngực ngày càng to, sưng đỏ và đau.
- Đau ngực kèm sốt cao.
- Đã áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng tắc tia sữa tại nhà nhưng không hiệu quả.
QUAN NIỆM CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ TẮC TIA SỮA
Y học cổ truyền gọi bệnh này là chứng “nhũ ung”, xuất hiện do ứ đọng sữa hoặc khí huyết gây làm mủ cấp tính tại tuyến vú. Bệnh phát sinh nhiều vào thời kỳ cho con bú, thường gặp ở những bà mẹ sinh con đầu lòng.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa theo Y học cổ truyền:
- Khí uất: Theo Chu Đan Khê "Vú thuộc kinh dương minh, núm vú thuộc kinh quyết âm. Người mẹ không biết cách điều dưỡng hoặc vì giận dữ, kích thích, buồn bực, uất ức mà làm khí không lưu thông, không đẩy sữa ra được mà ứ lại".
- Ẩm thực thất điều: "Ăn đồ nóng nhiệt ra mồ hôi, khi cho con bú để lộ vú ra ngoài nên dễ nhiễm phải ngoại tà, gây sưng vú". Khi ngoại tà xâm phạm, gây ứ trệ khí huyết, khí không thông, làm sữa tắc lại gây tắc tia sữa.
- Tư thế cho con bú: Tư thế cho con bú không đúng cũng có thể gây ra tắc nghẽn các dòng mạch vú, gây ra tắc tia sữa.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
- Châm cứu: Châm và cứu vào các huyệt vị trên cơ thể để kích thích lưu thông khí huyết, kết hợp huyệt điều trị nguyên nhân, giúp giảm đau và sưng vú.
- Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện mát-xa nhẹ nhàng trên vùng vú và các huyệt vị liên quan để kích thích tuần hoàn máu và giảm căng thẳng trong vùng này.
- Chườm ngải: Dùng ngải nóng ấm chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu. Khí ấm nóng kết hợp cùng tinh dầu trong ngải dược có tác dụng thông kinh mạch, điều khí huyết.
- Thuốc Y học cổ truyền: Tùy theo tình trạng và triệu chứng, một số bài thuốc thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng như Hoàng liên giải độc thang gia các vị bồ công anh, kim ngân hoa; Tiêu dao tán. Từ đó vừa giúp giảm tình trạng tắc sữa vừa hạn chế sự tái phát của bệnh.
PHÒNG NGỪA TẮC TIA SỮA
Hãy nhớ rằng phòng ngừa luôn tốt hơn việc điều trị sau. Để tránh tắc tia sữa sau sinh, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như:
- Tập thói quen hút sữa thường xuyên.
- Duy trì lối sống khoa học bằng việc ăn uống cân đối và đủ nước.
- Hạn chế tác động lên bầu ngực.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng.
Tắc tia sữa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vì vậy, hãy chú ý đến các dấu hiệu và áp dụng các biện pháp điều trị và phòng ngừa từ sớm.
Tác giả: BS. Lê Thị Thanh Trang
ThS BSCKI BSNT. Nguyễn Văn Huy